Chính trị
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND(HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Ngoài những đại biểu được các cơ quan, đoàn thể giới thiệu để ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp thì công dân cũng có quyền tự mình ứng cử nếu đủ điều kiện.
Tại Điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2015 có quy định tiêu chuẩn của người ứng cử như sau:
“1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội.
2. Người ứng cử đại biểu HĐNDphải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu HĐNDquy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương”
Đối chiếu với quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội quy định trong Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội năm 2020 và tiêu chuẩn đại biểu HĐND được quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 thì điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND như sau:
* Về độ tuổi ứng cử: Đủ 21 tuổi trở lên (Điều 2 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐNDnăm 2015)
* Về tiêu chuẩn của đại biểu:
- Đối với Đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn gồm:
+ Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
+ Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam
+ Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
+ Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
+ Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
+ Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
(Điều 22 Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, khoản 1 Điều 1 sửa đổi bổ sung năm 2020)
- Đối với Đại biểu HĐND, tiêu chuẩn gồm:
+ Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
+ Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam
+ Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
+ Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.
+ Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
(Điều 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi bổ sung năm 2019)
Bên cạnh đó, tại Điều 37 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND năm 2015 cũng quy định 05 trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND, cụ thể như sau:
- Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;
- Người đang bị khởi tố bị can;
- Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án;
- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích;
- Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Ngoài các quy định của Luật, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn 36-HD/BTCTW về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐNDcác cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, tiêu chuẩn đại biểu HĐNDcác cấp nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:
* Tiêu chuẩn chung:
Người ứng cử đại biểu HĐNDphải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu HĐNDtheo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
Người ứng cử đại biểu HĐNDcác cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; có tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia HĐNDcác cấp.
* Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên trách
Ngoài các tiêu chuẩn chung, người ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện sau:
- Có trình độ đào tạo đại học trở lên.
- Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ vụ trưởng và tương đương, chức vụ giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; có quy hoạch làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên. Nếu là cán bộ Quân đội, Công an thì phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức danh cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnhvà tương đương trở lên hoặc có quân hàm từ Đại tá trở lên.
- Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách để làm phó trưởng đoàn ở địa phương phải là tỉnh ủy viên, đang giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch một trong các chức danh sau: ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.
- Đối với một số lĩnh vực cần thiết phải cơ cấu đại biểu Quốc hội nhưng không có nhân sự cấp vụ trưởng và tương đương đáp ứng yêu cầu thì Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể, bảo đảm đúng quy định.
- Về độ tuổi:
+ Cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử nói chung phải đủ tuổi tham gia 02 khóa Quốc hội trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa, nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây. Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử (trừ các đồng chỉ ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây[3]. Riêng những người ứng cử đại biểu Quốc hội là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân. Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2019 của Ban Bí thưdo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.
+ Đại biểu Quốc hội là cán bộ nữ thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Kết luận của Bộ Chính trịvà Nghị định của Chính phủđược tính tuổi công tác như nam, người ứng cử lần đầu sinh từ tháng 01/1966, tái cử sinh từ tháng 7/1963 trở lại đây.
+ Các đồng chí không đủ tuổi tái cử nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thì cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, bố trí công tác phù hợp hoặc giữ nguyên một số chế độ, chờ đủ tuổi nghỉ hưu; những đồng chí có nguyện vọng nghỉ chế độ trước tuổi thì giải quyết theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ và Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 20/12/2019 của Ban Tổ chức Trung ương.
+ Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương khi đến tuổi nghỉ hưu được giữ chức vụ công tác đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương khi đến tuổi nghỉ hưu thì thôi giữ các chức vụ và tiếp tục làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đến hết nhiệm kỳ.
- Về tiêu chuẩn sức khỏe: Được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến tháng 5/2021, cụ thể:
+ Đối với cán bộ ở các cơ quan Trung ương: do Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương hướng dẫn, xác định cơ sở y tế để khám sức khỏe.
+ Đối với cán bộ ở địa phương: do Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn, xác định cơ sở y tế để khám sức khỏe.
* Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu HĐND chuyên trách
Ngoài các tiêu chuẩn chung, người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND chuyên trách ở các cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
- Có trình độ đào tạo đại học trở lên (đối với cấp tỉnh và cấp huyện).
- Ở cấp huyện: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch HĐND chuyên trách phải là huyện ủy viên, giữ chức vụ từ trưởng phòng hoặc tương đương ở cấp huyện trở lên và đã được quy hoạch phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên; cán bộ ứng cử trưởng ban chuyên trách của HĐND phải giữ chức vụ từ phó trưởng phòng hoặc tương đương ở cấp huyện trở lên; ứng cử phó trưởng ban của HĐND phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên từ 05 năm trở lên và đã được quy hoạch vào chức vụ từ phó trưởng phòng hoặc tương đương ở cấp huyện trở lên.
Đối với các đồng chí dự kiến bố trí làm Trưởng các ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện kiêm nhiệm, cần có năng lực, trình độ, sức khỏe và thời gian để đáp ứng yêu cầu công việc.
- Ở cấp xã: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch HĐND chuyên trách phải là cấp ủy viên, nơi nào có điều kiện thì bố trí ủy viên thường vụ đảng ủy cấp xã. Căn cứ tình hình cụ thể, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đối với cán bộ ứng cử phó chủ tịch HĐND chuyên trách cấp xã.
- Về độ tuổi:
+ Cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử đại biểu HĐND chuyên trách phải đủ tuổi tham gia 02 nhiệm kỳ HĐND trở lên hoặc ít nhất trọn một nhiệm kỳ, nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây; nhân sự tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính từ tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây và sẽ nghỉ hưu khi đến tuổi theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019. Riêng những người ứng cử đại biểu HĐND là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân. Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2019 của Ban Bí thư do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.
+ Cán bộ nữ thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Nghị định của Chính phủ được tính tuổi công tác như nam, người ứng cử lần đầu sinh từ tháng 01/1966, tái cử sinh từ tháng 7/1963 trở lại đây và sẽ nghỉ hưu khi đến tuổi theo quy định.
- Về tiêu chuẩn sức khỏe: Được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến tháng 05/2021 (tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn, xác định cơ sở y tế để khảm sức khỏe)./.
Thanh Vân